Cập nhật xu hướng chơi cây Nhật Bản

Trồng cây Long não vừa làm cảnh vừa chữa bệnh

2019-11-07

Kỹ thuật trồng cây Long não không chỉ làm cảnh, làm cây bóng mát mà còn có thể tận dụng làm cây thuốc chữa được nhiều loại bệnh, đặc biệt còn có khả năng đuổi muỗi và khử mùi ẩm mốc.

Cây Long não hay còn gọi là Rã hương có nguồn gốc ở khu vực Đông Á, bao gồm Đài Loan, miền Nam Nhật Bản, phía Đông Nam Trung Quốc.là một loại cây thân gỗ, lớn và thường xanh, có thể cao tới 20 – 30m.

Lá của cây nhẵn và bóng, bề mặt như sáp và có mùi long não khi bị vò nát trong tay. Về mùa Xuân nó sinh ra các lá màu xanh lục nhạt với nhiều hoa nhỏ màu trắng. Quả của cây có màu đen, mọng, mọc thành cụm với đường kính khoảng 1 cm.

Ngoài tác dụng làm cảnh cây Long não còn có giá trị về mặt y học. Vì thế, cây được trồng nhiều ở những đô thị, khu dân cư ở Việt Nam.

Kỹ thuật trồng cây Long não không quá khó nhưng cũng phải lưu ý một vài điểm về cách chăm sóc và phòng bệnh cho cây để cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Thời vụ trồng cây Long não

Nên lựa chọn thời điểm vào đầu mùa mưa để trồng cây Long não sẽ giúp cây sinh trưởng và phát triển nhanh hơn. Về phần đất trồng cũng không quá kén có thể chọn lớp đất mặt dày, nhiều mùn, ẩm. Ngoài ra, cây Long não cũng có thể phát triển bình thường trên các vùng đồi, vùng đất nghèo dinh dưỡng, cằn cỗi hoặc vùng đất bạc màu. Long não chịu lạnh giỏi nhưng chịu sương muối và chịu gió kém hơn.

Ánh sáng

Là cây tương đối ưa sáng, lúc nhỏ che bóng, ưa khí hậu ấm và ẩm nhiệt độ trung bình năm 15- 20oC, lượng mưa trên 1.000mm. Mọc tốt trên đất sét pha tầng dầy, không sống được trên đất mặn, đất trũng hoặc quá khô.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Long não

Kỹ thuật trồng cây Long não có thể theo cách gieo hạt hoặc giâm cành, chiết. Trước hết cần dùng cuốc bới bổ giữa hố sâu bằng chiều cao của bầu trước khi trồng khoảng 1 tháng. Sau đó bóc bầu, đặt cây Long não sao cho cổ rễ ngang mặt hố, rồi vun đất xung quanh cho kín, ấn chặt. Tưới nước vừa phải để cây hấp thu chất dinh dưỡng và không bị héo.

Vì là cây lâu năm nên trong khoảng 3 năm đầu nên chăm sóc tốt để cây có đủ nguồn dinh dưỡng nuôi cây cho các năm sau. Thường xuyên xới đất xung quanh gốc và kết hợp bón thúc 0.1 -0.3kg phân NPK/cây vào lần chăm sóc đầu. Ngoài ra cũng cần phải kết hợp chăm sóc với tỉa cành để tạo dáng và tán cây đẹp.

Tác dụng của cây Long não

Đề cập tới tác dụng của cây Long não tới sức khỏe con người, lương y Trần Bá Thành- chuyên bán thuốc Đông y tại Hoài Đức- Hà Nội cho biết, theo Đông y, hầu hết các bộ phận của cây Long não đều có thể cất tinh dầu dùng trong công nghiệp và y dược.

Bên cạnh đó, trong dân gian người ta sử dụng cây Long não để chữa các bệnh như: phong thấp, thông kinh lạc, chỉ thống tiêu thực, làm long đờm, lợi trung tiện, chống đầy hơi, làm ra mồ hôi, trừ lỵ…Lá Long não có thể nấu nước xông chữa cảm.

Vỏ Long não ngâm rượu dùng ngậm, xúc miệng (không nuốt) để phòng, trị bệnh viêm răng, lợi. Đặc biệt, gỗ Long não khá bền và lại chứa tinh dầu nên chống mối mọt rất tốt. Tủ đựng quần áo mà làm bằng gỗ Long não thì côn trùng luôn tránh xa.

Một số bài thuốc từ cây Long não

Chữa viêm họng, ho đờm khò khè: Long não đặc 1,5g, phèn chua 7g. Tất cả tán nhỏ, hòa tan trong ít cồn rồi thêm nước ấm cho được 30ml. Khi dùng lấy tăm bông tẩm thuốc bôi vào họng, ngày làm vài lần.

Chữa tiêu chảy thể hàn: Long não đặc 25g, gừng tươi 25g, đại hoàng 20g, nhục quế 10g, đại hồi 10g. Tất cả tán nhỏ, ngâm trong rượu 70 độ để được 1 lít. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 25 – 30 giọt hòa với nước nguội.

Chữa hắc lào: Long não đặc 12g, rễ bạch hạc 10g, chanh 1 quả. Rễ bạch hạc giã nhỏ trộn với dịch chanh và 10g long não. Bôi hàng ngày.

Chữa bong gân, chấn thương, sai khớp: Long não đặc, tinh dầu hồi, ngải cứu, cúc tần, quế, menthol làm thành cao dán.

Chữa hôi nách: Long não đặc 0,4g, gừng sống một miếng, giã nát trộn đều, lấy nước xoa vào nách ngày vài lần.

Theo tài liệu, có thể chế thuốc đuổi muỗi từ long não đặc như sau: lấy 2 – 5g Long não đặc hòa vào 100ml cồn ethylic để được cồn long não. Đồng thời, nghiền nhỏ viên thuốc diệt muỗi (loại thuốc đốt bằng bộ nhiệt điện) lấy 0,4 – 0,8g hòa vào 100ml, đun cạn còn 3/4. Trộn hai dung dịch với nhau thêm 0,3 – 0,7ml dầu quế, lắc đều rồi phun. Thuốc này không độc với người lại bảo quản được lâu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.